Suy niệm Mầu nhiệm Kinh Mân Côi

 

Nhân kỷ niệm 160 năm Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức – năm 1858 và 150 năm ngày mất của cha thánh Phêrô Giuliano Eymard – năm 1868, xin giới thiệu bản suy niệm Mầu nhiệm kinh Mân Côi được trích từ cuốn “Ensemble à Lourdes – Manuel du Pèlerin, Tardy 2003” và một số bút tích của thánh Eymard. Những ai yêu thích việc cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, yêu mến thánh Bernadette và thánh Eymard có thể tìm thấy sự phong phú và sâu xa hơn cho đời sống cầu nguyện của mình nơi những đoạn suy niệm này. 

Như thánh Bernadette, chúng ta kính chào Mẹ Maria trong niềm vui của ngày truyền tin: “Kính Mừng Maria”. Việc cầu nguyện bằng kinh Mân Côi giúp chúng ta cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Con của Mẹ và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Với mỗi mầu nhiệm sau đây, bạn sẽ gặp:

  • Những dẫn chứng của Tin Mừng và của những bản văn Kinh Thánh khác.
  • Chọn 1 trong 3 câu gợi ý suy niệm là tư tưởng giúp bạn cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Kitô, để chính bạn cũng sống Mầu nhiệm ấy theo gương Mẹ và thánh Bernadette.

Ở một vài quốc gia, người ta có thói quen thêm vào phần đầu của mỗi chục kinh Kính Mừng một lời nguyện rất ngắn để soi rõ hơn biến cố mà họ đang suy niệm. Ví dụ biến cố Truyền Tin: “- Chúa Giêsu, Con lòng Mẹ đầy ơn phúc, Đấng mà sứ thần loan báo cho Mẹ đã đến”. Bạn cũng có thể thay đổi những câu này để làm nổi bật những khía cạnh của cuộc sống hay lời rao giảng của Chúa Kitô. Như thế, bạn sẽ ngày càng thấy được sự phong phú khôn cùng của Mầu nhiệm ơn cứu độ, và có điều kiện tập trung tư tưởng hơn cũng như tránh được sự quen thuộc lặp lại.

NĂM SỰ VUI

1. TRUYỀN TIN

 Lc 1, 26-38; Mt 1, 18–24; Is 7, 10–15; Xp 3, 14–18.

  • Chúa Giêsu, được sứ thần loan báo.
  • Với Chúa Giêsu, bạn luôn là những nữ tỳ của Chúa.
  • Trong Chúa Giêsu, bạn phục vụ như Mẹ rất yêu dấu.

 “Thiên Chúa là tình yêu”, Người không ngừng yêu thương những gì Người đã tạo dựng và Người muốn phục hồi, tái tạo lại những gì con người đã làm hư hỏng. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để cứu chúng ta”. Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã ban ân sủng của Người cho một người phụ nữ ở giữa chúng ta. Người đã làm cho Mẹ Maria nên tinh tuyền, Vô Nhiễm Nguyên Tội: Người đề nghị Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và Mẹ đã đón nhận với tất cả tự do, tình yêu và niềm tin của mình. Chẳng phải thế mà Mẹ là “nữ tỳ” của Chúa sao? Mẹ Maria là mẫu gương lôi cuốn chúng ta. Cùng noi theo gương Mẹ và lòng tin của thánh Bernadette, chúng ta hãy luôn luôn lặp lại: “Vâng, lạy Thiên Chúa của con, con xin vâng ý Chúa trong tất cả và trong mọi sự”.

Với cha thánh Eymard:

Như tiếng thưa “Vâng” này, khi Thiên Chúa dựng nên thế gian, Người đã nói tiếng đó: Vâng, đất hãy sinh sôi theo lệnh của Thiên Chúa (St 1, 11), Đức Trinh Nữ Maria cũng nói tiếng đó… Mẹ đi trước để đào luyện các con. Vậy hãy thờ lạy Chúa Giêsu theo tinh thần của Mẹ Maria, các con chỉ có giá trị khi ở bên chân Chúa Giêsu và dâng hiến chính mình nhờ tay Mẹ Maria. (Paris 9.4.1861)

 

2. THĂM VIẾNG

Lc 1, 39–45, Lc 11, 27–28; 1Sm 2, 1–10; Gđt 13, 7–20
  • Chúa Giêsu là Đấng mà thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra ngay từ trong lòng mẹ.
  • Chúa Giêsu ban tràn đầy ân sủng cho những ai đón tiếp Người.
  • Chúa Giêsu là niềm vui của những người nghèo khó và khiêm nhường.

Tin Mừng về ơn cứu độ chúng ta không phải để giấu kín! Khi Chúa Giêsu vừa mới khởi đầu sự sống trong lòng dạ tinh tuyền của Đức Maria, thì thánh Gioan Tẩy Giả đã nhảy mừng vui sướng. Bà Elisabeth được Thánh Thần linh hứng đã đoán được sự hiện diện của Chúa mình còn đang ẩn giấu trong lòng Đức Maria. 

Bấy giờ Đức Maria hát lên trong niềm vui sướng: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả!”. Mẹ lôi cuốn mọi người đến nhận ra lòng thương xót của Chúa và sống trong tình yêu của Người. Thánh Bernadette trong giờ phút cuối đời, đã khiêm nhường thốt lên rằng: “Con đã nhận được biết bao hồng ân… Con sợ không thể tận dụng được các hồng ân ấy như lòng Chúa mong muốn!”. Chúng ta nên thường xuyên nói những lời này của thánh nữ.

Với cha thánh Eymard:

Trong cuối tĩnh tâm tại Saint Maurice, cha Eymard cũng bày tỏ tâm hồn ngài, vào lúc cuối đời cho chúng ta: “Tôi yêu Chúa quá ít, mà Chúa yêu tôi dịu dàng… Tôi chưa bao giờ dâng chính mình tôi một cách tuyệt đối, một cách trọn vẹn!…

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã dẫn con đi và trao cho con Chúa Giêsu, bây giờ một lần nữa Mẹ lại trao cho con Chúa Giêsu mà con đã lạc mất!” (28.4.1868).

 

3. GIÁNG SINH

Lc 2, 1-20; Ga 1, 1-18; Is 9, 1- 6; Is 60, 1-5

  • Chúa Giêsu đã được sinh ra cho chúng ta.
  • Chúa Giêsu đem bình an cho những người Chúa thương yêu.
  • Chúa Giêsu, Đấng chúng ta tôn thờ đang hiện diện giữa chúng ta.

Con Thiên Chúa Tối Cao đã giáng sinh bởi một người mẹ không vương tội lỗi. Các thiên thần ca hát, các mục đồng thán phục và các nhà chiêm tinh đến thờ lạy. Về phần mình, Mẹ Maria ghi nhớ tất cả những biến cố này và suy đi nghĩ lại trong lòng. Ở bên Mẹ, chúng ta tìm gặp được Đấng Cứu Thế. Mẹ hướng dẫn tất cả những ai đang tìm kiếm sự thật, bình an và tình yêu về với Chúa Giêsu.

Tại Lộ Đức, qua thánh Bernadette, Mẹ mời gọi chúng ta “đến với những cuộc rước” để tôn thờ Chúa Giêsu và cùng với Người hành động cho công trình cứu độ chúng ta. Lời kêu gọi hãy siêng năng cầu nguyện và làm việc đền tội là tiếng gọi trung tín đối với Tin Mừng.

Với cha thánh Eymard:

“Hãy biết chiêm ngưỡng tình yêu, đó là việc làm của các con… Chúa Giêsu rất bé nhỏ, thật bé nhỏ trong tấm bánh Thánh Thể, thần tính Người, thân xác đáng tôn thờ của Người đều có ở đó cả. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu còn bé nhỏ hơn khi ở trong chuồng bò, lúc Người nằm trên cỏ rơm. Tình yêu càng lớn mạnh, Người càng thu mình lại để đến với chúng ta”. (Paris 27.12.1861).

 

4. DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH

Lc 2, 22–40; Ga 3, 16–21; Is 66, 10–14; 1Ga 1, 5–7

  • Chúa Giêsu là ánh sáng cho thế gian.
  • Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hiến dâng cuộc sống cho Thiên Chúa.
  • Chúa Giêsu, Đấng đã sống thân phận con người như chúng ta.

Ông Simêon đã  nhận ra Chúa Giêsu chính là ánh sáng cho muôn người. Đó là sự thật… nhưng điều đó sẽ chỉ tỏ lộ sau này. Còn trước hết Chúa Giêsu vẫn phải sống cuộc sống của một con người trong âm thầm ẩn dật. Trong suốt ba mươi năm trường, đối với những người đương thời, Chúa Giêsu vẫn chỉ là một Giêsu Nazaret “con của bà Maria và ông Giuse thợ mộc”. Cùng với Đức Mẹ, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống của chúng ta mọi ngày, cho dù rất đỗi tầm thường, phải được hiến dâng cho Thiên Chúa như một hành vi tôn thờ đích thật và đẹp nhất.

Thánh Bernadette đã hiểu rõ điều đó, chị đã đến Nevers để ẩn tu, sau khi cảm nghiệm rằng chị đã “phục vụ như một cây chổi của Đức  Mẹ”.

Với cha thánh Eymard:

“Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha toàn vẹn để cứu rỗi nhân loại và cho vinh quang Chúa Cha dưới đất. Con trẻ Giêsu dâng mình để sống bằng việc làm, bằng nghèo khó, bằng đời sống ẩn dật cho đến ba mươi tuổi, đến đời sống công khai, và cuối cùng làm lễ tế trên đồi Calve. Ngày đó, cuộc đời Chúa Giêsu diễn ra toàn vẹn trước mặt Chúa Cha, Chúa Cha đã đón nhận lễ dâng cho vinh quang Người và vì tình yêu chúng ta. Và Chúa Giêsu không giữ lại cho mình điều gì trong sự dâng hiến. Đức Mẹ cũng thế. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu là mẫu gương của linh hồn hoàn thiện, nơi một tâm hồn tu trì muốn tôn kính, yêu mến, phục vụ.” (Paris 2.2.1863).

 

5. TÌM ĐƯỢC CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH

 Lc 2, 41 – 52;  Mt 11, 25 – 30;  Tv 84 (83);  Tv 27 (26).

  • Chúa Giêsu, luôn luôn hiệp nhất với Chúa Cha.
  • Chúa Giêsu, Đấng mà những ai tìm kiếm Người thì Người cho gặp.
  • Với Chúa Giêsu, bạn cũng sống “ẩn dật trong Thiên Chúa”.

“Này con, tại sao con lại làm thế với cha mẹ!” Mẹ Maria hỏi Chúa Giêsu sau ba ngày lo sợ tìm kiếm, Chúa Giêsu trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con, cha mẹ không biết rằng con phải có bổn phận ở nhà cha con sao?” Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu… Đôi khi ý muốn của Thiên Chúa là một mầu nhiệm vượt quá sức chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vui lòng đón nhận điều đó vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn luôn hành xử bằng tình yêu.

Thánh Bernadette, được thúc đẩy bởi một sức mạnh không thể cưỡng lại, chị đã đến hang đá Đức Mẹ bất chấp mọi cấm đoán, chị nói với cha mẹ: “Điều làm con đau khổ… đó là phải bất tuân đối với cha mẹ hoặc đối với Mẹ Maria”.

Với cha thánh Eymard:

Suy gẫm về thập giá, ngày 22 tháng 3 năm 1865, cha Eymard ghi lại: “Ôi Thiên Chúa của con, Chúa muốn con đau khổ hết mọi nỗi phiền muộn con người, sống giữa những đau khổ và với những đau khổ, nhất là trên những đau khổ! Xin vâng như thế. Amen! Ít nhất là con sẽ có thể làm vinh danh Chúa cách tốt hơn, bằng nhẫn nại, bằng nhu mì, bằng hạ mình xuống, không còn tự do, bằng liên lỉ từ bỏ mình. Giữa những điều ấy, xin ban cho con sự thanh thản của gương mặt Chúa, sự bình an của tâm hồn trong Chúa và với tình yêu mến tha nhân” (Tĩnh tâm tại Roma 1865).

 

NĂM SỰ THƯƠNG

 1. CHÚA GIÊSU HẤP HỐI

Mt 26, 36–46;  Ga 6, 38 – 40;  Ac 3, 17–26;  Tv 130 (129).

  • Chúa Giêsu bị đè nặng bởi tội lỗi chúng ta
  • Chúa Giêsu luôn làm theo ý muốn Chúa Cha.
  • Chúa Giêsu xin chúng ta cầu nguyện và canh thức với Người.

Tại Giêt-sê-ma-ni, “tâm hồn Chúa Giêsu buồn đến chết được” Người sấp mặt xuống đất cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén đắng này xa con, nhưng đừng theo ý con muốn, mà theo ý Cha muốn”. Nỗi đau đớn đè nặng trên Chúa Giêsu nhưng Ngài đi đến cùng tình yêu Ngài dành cho Chúa Cha và cho chúng ta. Cùng một cách thế ấy, như Chúa Giêsu, với Ngài và nhờ Ngài, điều này luôn được thực hiện cho những ai yêu mến sự thật, khởi đầu là Đức Maria và các tông đồ. 

 Trong cơn đau khổ lớn lao của mình, Thánh Bernadette đã nói: “Điều Thiên Chúa muốn, như Thiên Chúa muốn, tất cả những gì Thiên Chúa muốn” . Thế còn chúng ta thì sao?

Với cha thánh Eymard:

Chúa Giêsu trong Vườn Dầu, Người bị phản bội, bị bán bởi một Giuđa, và còn bị phản bội, bị bán bởi biết bao Giuđa khác? Chúa Giêsu trong Thánh Thể không phải cô đơn hơn ở Vườn Dầu sao? Hãy tôn kính đời sống chịu đóng đinh trong cuộc khổ nạn Thánh Thể. Hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria, Mẹ liên lỉ nghĩ đến tất cả những đau khổ của con Mẹ, Mẹ biết rõ những gì Chúa phải chịu từ lúc sinh ra cho đến núi Calve (Paris, 19.2.1861).

 

2. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN

  Mc 15,6-15;  Cl 1, 21-24;  Is 53, 2-12;  Tv 38 (37).

  • Chúa Giêsu bị kết án bất công.
  • Chúa Giêsu là con người đau khổ vì bị tội lỗi chúng ta đè nặng.
  • Ôi, Chúa Giêsu! con muốn kết hợp với sự thương khó của Ngài.

Ông Philatô hỏi đám đông đang la hét hỗn độn: “Người này đã làm gì xấu? Ta không tìm thấy người này có gì đáng chết…” Thế mà Chúa Giêsu vẫn bị đánh đòn, “bị nghiền nát vì lỗi lầm chúng ta” như lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo. Mẹ Maria, người đầu tiên đã hết sức đau đớn trong lòng. Vì thế, Mẹ mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện và làm việc đền tội cho “những người tội lỗi”. Thánh Bernadette cũng nói với chúng ta: “Phải đau đớn vì Chúa Giêsu… Người đã chịu rất nhiều đau khổ vì chúng ta”.

Với cha thánh Eymard:

“Sự đền tạ đó phải là việc làm chính yếu của cuộc đời các con: vì Bạn yêu dấu của các con luôn bị đóng đinh, các con phải luôn yên ủi Người. Chúa Giêsu dâng mình đúng rồi, nhưng cha khuyên các con cũng dâng chính mình với Chúa, kết hợp những cực nhọc nhỏ bé của các con với đau khổ của Người. Khi dâng cho chính Chúa Giêsu như vậy, ta cũng đền tạ cách tốt đẹp” (Paris 19.2. 1859).

 

3. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI MẠO GAI

Mt 27, 27-31; Ga 18,33-37; 2Cr 12,7-10; Is 50, 5-9 

  • Chúa Giêsu, Vua chúng ta bị đội mạo gai.
  • Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta “bị đối xử như đồ bỏ đi”.
  • Chúa Giêsu bị chối bỏ vì nhận mình là “Con Thiên Chúa”.

Bọn lính kết một vòng gai rồi đặt lên đầu Chúa Giêsu, chúng quì gối trước mặt Người và chế nhạo rằng: “Kính chào Vua Do Thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người… Con Thiên Chúa… con của Đức Maria… Đấng Cứu Độ chúng ta! Thánh Bernadette khi chiêm ngắm mầu nhiệm này, đã hết sức đau buồn thốt lên: “Chúa đã bị đối xử như đồ bỏ đi!” Chị hiệp thông với Chúa Giêsu “kết hợp với nhân loại tội lỗi” như chị đã cầu xin với Đức Maria. Chị cũng khẳng định rằng: “Chúa chúng ta trao mão gai Người cho các bạn hữu của Người…” Như Bernadette, chúng ta có biết vui lòng đón nhận điều đó “như một người bạn” của Chúa Giêsu .

  Với cha thánh Eymard:

“Tình yêu các con đối với Chúa sẽ không mạnh đủ, không lớn đủ nếu không xây dựng trên cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, các con sẽ không hiểu tình yêu của Người. Ta chỉ hiểu được tình yêu bằng hy sinh. Chúa Giêsu giữ lại bằng chứng lớn nhất của tình yêu Người trong cuộc khổ nạn… Thánh Thể là tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đó là tiếp nối cuộc sống của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta, tiếp nối cuộc khổ nạn tình yêu. “Hãy vào sống trong Thánh Thể, rồi các con sẽ thấy Chúa Giêsu tiếp tục cuộc khổ nạn đầy yêu thương của Người” (Paris 19.2.1861).

 

4. CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ

Lc 23, 24-32;  Mc 8, 34-38; 1Pr 2, 21-25;  Mt 10, 34-39.
  • Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thập giá của mình.
  • Chúa Giêsu thông chia và đỡ lấy những đau khổ của chúng ta.
  • Chúa Giêsu lấp đầy những đau khổ của chúng ta bằng sự hiện diện của Người.

Chúa Giêsu bị kết án bởi những người thân thuộc, Người vác lấy thánh giá đi lên đồi Golgotha. Ông Simon thành Kyrênê được gọi đến để vác đỡ thánh giá Người. Chúa Giêsu mời gọi tất cả chúng ta hãy đến đó: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Mẹ Maria đã đi trọn con đường thánh giá cùng với Chúa Giêsu. 

Thánh Bernadette đã nói rằng: “Vì tình yêu đối với Chúa Giêsu, tôi sẽ vác thập giá âm thầm trong trái tim tôi”. Chúng ta cũng vậy, hãy nói như chị thánh Bernadette: “Khi người ta nghĩ rằng: Thiên Chúa nhân lành cho phép điều ấy xảy ra, họ sẽ không phàn nàn chi cả!”

Với cha thánh Eymard:

Giữa các cơn thử thách nổi rõ những năm cuối đời, Cha Eymard cảm thấy được thanh tẩy linh hồn qua nhiều đau khổ đặc biệt. Cha viết cho Mẹ Marguerite ngày 20 tháng 11 năm 1866: “Không cần phải nói cho con hay về nỗi đau của cha. Một mình Chúa biết và cha chẳng nói cùng ai. Tất cả sẽ qua đi. Đây là những thập giá trên đường đi của ta, được Chúa vun trồng, ngoài ý của ta, nhưng ta phải học cách thánh hoá”.

 

5. CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ

Lc 23, 33-46; Ga 19, 18-37;  2Tm 2, 8-13;  Ga 12, 23-33.

  • Chúa Giêsu đã chết để trao ban sự sống cho chúng ta.
  • Chúa Giêsu yêu thương chúng ta cho đến cùng.
  • Chúa Giêsu biến cái chết của Người thành một chiến thắng.

Chúa Giêsu trên thập giá đã trao ban Mình Máu Người và xoá bỏ tội lỗi cho chúng ta và cho muôn người. “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt”. Giờ đây Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá. Mẹ dâng hiến người Con của Mẹ và Mẹ cũng dâng hiến chính mình trong một niềm tin và tình yêu thanh khiết hoàn hảo.

Thánh Bernadette, trước khi qua đời ít lâu, đã nói: “Đời tôi bị nghiền nát như một hạt lúa mì… Tôi đã không nghĩ rằng mình phải đau khổ cho đến lúc chết!” Rồi chị ôm lấy tượng chịu nạn và nói: “Con nên một với Chúa Giêsu!” Theo mẫu gương của chị, trong những khi đau khổ, “chúng ta hãy kín múc nơi ấy nguồn sức mạnh cho chúng ta”.

Với cha thánh Eymard:

“Phải làm việc đền tạ nhờ Mẹ Maria, hãy cầu nguyện với Mẹ khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ ở đó dâng Con mình cho phần rỗi thế giới và đồng thời cũng dâng chính mình. Chính ở đó lần đầu tiên Mẹ được làm Mẹ nhân loại, và phần rỗi nhân loại rất thân thiết với Mẹ. Dâng Mẹ Maria cho Chúa Giêsu là điều dễ dàng, hãy dâng Mẹ vì đó là Đấng trung gian quyền thế, nhận lấy Mẹ và hãy sống với Mẹ. Ta cần dừng lại đây lâu giờ, nhất là cho việc đền tạ vào giờ chết của Chúa Giêsu” (Paris 19.8.1859).

 

NĂM SỰ MỪNG

 1. CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI

Mc 16, 1- 7;  Lc 24, 13-35;  1Cr 15, 1-22;  Cv 2, 22- 24

  • Chúa Giêsu, đã phục sinh và đang sống.
  • Chúa Giêsu, loan báo niềm vui cho những ai tin vào Người.
  • Chúa Giêsu, ở cùng chúng ta luôn mãi.

“Tại sao bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Người không có ở trong ngôi mộ nhưng Người đã sống lại. Chúa Giêsu phục sinh và hiện ra với các bạn hữu của Người. Niềm vui phục sinh đến chiếu sáng thế gian vì Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Nhờ sự hiện diện bền vững ấy, Giáo Hội Chúa Kitô tiếp tục sứ mạng “làm chứng” của mình.

Mẹ Maria cũng hiện diện với Giáo Hội, là mẫu gương và là người Mẹ luôn yêu thương, nâng đỡ khích lệ Giáo Hội. Dưới tác động của Mẹ Maria, Thánh Bernadette đã nói rằng: “Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa trong mọi sự”.

Với cha thánh Eymard:

“Phục sinh là cuộc chiến thắng, nhưng không là vinh quang để chúng ta dừng chân, điều chúng ta phải nghĩ đến đó là sự Phục Sinh nhìn trong Thánh Thể. Như thế sẽ thay đổi quan điểm của ta, chúng ta sẽ vui mừng, như đã nói: “Chúa Giêsu sống lại để kết hợp với tôi. Chúa muốn mang đặc tính của thân xác vinh quang, và có thể cùng một hy sinh như xưa để đến với tôi”. (Paris 22.4.1862).

 

2. CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI

Cv 1, 1–14;  Pl 2, 2–11;  Cl 3, 1–4;  Ga 19, 23–25. 27.

  • Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta.
  • Chúa Giêsu dọn chỗ cho chúng ta ở bên cạnh Chúa Cha.
  • Chúa Giêsu cho chúng ta nhận được niềm vui bất diệt.

“Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, rồi Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy”. Lời hứa này nâng đỡ niềm hy vọng của chúng ta, hướng dẫn trọn cuộc sống chúng ta cũng như khích lệ những cố gắng của chúng ta.

Tại Lộ Đức, Mẹ Maria đã hứa với thánh Bernadette rằng “chị sẽ được hạnh phúc ở đời sau”. Và Bernadette đã nói thêm những lời sau đây bằng cả một niềm xác tín: “Vâng…nhưng với điều kiện là con phải đạt được thế giới đó!” Thiên Chúa sẽ không cứu chúng ta nếu không có sự cộng tác của chúng ta.

Với cha thánh Eymard:

“Chúng ta hãy vui mừng với linh hồn Chúa Giêsu đầy hạnh phúc, vì được vui hưởng vinh quang trên thiên đàng, và được ngự bên hữu Chúa Cha. Khi nhìn lên Chúa Giêsu lên trời, ta nói: Lạy Chúa, Chúa thật xứng đáng lãnh nhận phú quí, uy quyền, vinh quang đến muôn thuở muôn đời, vì đã lấy máu đào mà cứu chuộc chúng con” (Paris 18.5.1860).

 

3. CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Cv 1, 8; 2,1–17; Ga 14, 15–25; 1Cr 12, 1–13; Mt 28, 16-20.

  • Chúa Giêsu ban Thánh Thần của Người cho chúng ta.
  • Chúa Giêsu sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng.
  • Chúa Giêsu ban Thánh Thần của Người hướng dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn.

“Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tao… Thánh Thần chân lý sẽ ở với anh em và Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Đây là sứ mạng của các Tông Đồ và mọi kitô hữu cũng đã nhận được sứ mạng đó. Mỗi người chúng ta đều có phần của mình trong Giáo Hội và trong thế giới, đó là trách nhiệm loan báo Tin Mừng. 

Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta về sứ mạng này và giúp chúng ta suy tưởng như thánh Bernadette: “cần phải cầu nguyện nhiều cho những người tội lỗi” và “chúng ta chưa bao giờ làm đủ để hoán cải các tội nhân”.

Với cha thánh Eymard:

“Sứ vụ của Chúa Thánh thần là gì? Là điều khiển chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta phải bàn hỏi, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Người, không làm gì mà không có Người. “Đấng sẽ dạy anh em mọi điều” (Ga 14, 26). Hãy sống theo Chúa Thánh Thần, hãy sẵn sàng bàn hỏi Người trong những điều trái ý chúng ta”. (Paris 7.6.1862).

 

4. ĐỨC MARIA LÊN TRỜI

Cv 3, 20-21;  Lc 1, 46-55;  Mt 25, 15-30;  1Ga 3, 1-2.

  • Chúa Giêsu hiển vinh mẹ của Người lên trời.
  • Nhờ Chúa Giêsu, bạn là tấm gương toả chiếu sự thánh thiện.
  • Chúa Giêsu muốn chúng ta ở với Người luôn mãi.

“Nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như trong hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội ước mong và trông đợi” (Vatican II, Hiến chế Phụng Vụ 103). Vào lần hiện ra bất ngờ sau cùng của Đức Maria (16.7.1858) Bernadette chưa từng bao giờ thấy Đức Mẹ đẹp như thế. Chị không được gặp lại Mẹ trên trần gian này nữa, nhưng chị đã khắc sâu hình ảnh của Mẹ trong tâm hồn chị. Khi chị cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ “chị đã chiêm ngắm thật sâu xa… Khi nhìn ngắm Đức Mẹ, cần phải chiêm ngắm với chiều kích cao sâu, chúng ta sẽ tìm gặp được Thiên Chúa”.

Với cha thánh Eymard:

“Mẹ Maria chỉ mong muốn một điều duy nhất, đó là vinh quang của Con Thần Linh Mẹ… Tình yêu của các con với Chúa có thể dần dần tắt đi, vậy hôm nay hãy cố gắng dâng Chúa món quà gì đó để làm vui lòng Chúa. Như thế Mẹ Maria sẽ điều động đời sống các con, Mẹ sẽ chỉ cho những chi tiết mà các con không biết thực hiện”(Angers, 22.10.1864).

 5. ĐỨC MARIA, MẸ GIÁO HỘI

Ga 19, 25-27;  Kh 12, 1-17;  Cv 1, 12-14; Xp 3, 14-18.

  • Chúa Giêsu trao Giáo Hội của Người cho chúng ta.
  • Chúa Giêsu mong mỏi chúng ta đón nhận mọi người “nơi Nhà của chúng ta”.
  • Mẹ Maria không ngừng cầu xin với Chúa Giêsu cho chúng ta.

“Mẹ Maria với tư cách là Mẹ Chúa Kitô, cũng là Mẹ của mỗi chi thể trong thân mình mầu nhiệm của Người, đó là Giáo Hội (Đức Phaolô VI). Mẹ Maria thực sự là mẹ của chúng ta và chúng ta có thể trao phó toàn bộ cuộc sống cho Mẹ, nhờ lời chuyển cầu và gương mẫu của Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Thánh Bernadette nói với chúng ta “Ước chi bạn được biết Mẹ tốt lành biết mấy!”  

Với cha thánh Eymard:

“Đức Trinh Nữ Maria không chỉ là mẫu gương của các con, mà còn là người bạn, là thầy dạy của các con. Hãy không chỉ sống bên Mẹ, mà còn hơn nữa, hãy ở trong Mẹ. Hãy nên những Maria khác, làm thế nào chỉ còn làm một với Mẹ. Hãy dâng hiến hết, mất hút trong Mẹ, sao cho tư tưởng, cầu nguyện, giờ chầu, các con làm tất cả trong Mẹ” (Paris 31.7.1859).

KINH ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lạy Mẹ Maria là mẫu gương và là nguồn gợi hứng cho mọi hành động của đời sống Kitô hữu, chúng con trông cậy vào lời chuyển cầu của Mẹ. Giữa một thế giới quá nhiều sự nghi ngờ và bạo lực, xin Mẹ hướng dẫn những bước đi đầy bất an của chúng con và nhìn đến những nỗi lo lắng chúng con đang gặp. Xin Mẹ trao dâng cho Chúa Giêsu, Con của Mẹ, những hy vọng và những nhu cầu của chúng con và hãy nài xin lòng xót thương của Ngài cho chúng con.

Lạy Mẹ là Mẹ chúng con, xin dạy chúng con đường nên thánh và giúp chúng con sống chứng nhân Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay. Amen.

Maria Châu Hải Vy, SSS